Tâm lý thận trọng vẫn bao phủ thị trường khi thanh khoản liên tục “dò đáy” khiến VN-Index vẫn chưa thể bứt phá mạnh như kỳ vọng.
Đà tăng nóng của tỷ giá
Trước khi bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III, giới phân tích nhận định nếu kết quả kinh doanh quý này của nhiều doanh nghiệp tích cực thì đó có thể sẽ là yếu tố dẫn dắt thị trường tăng điểm. Dự phóng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết có thể đạt khoảng 20-30%.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp vẫn đang đua nhau báo lãi tích cực nhưng dường như vẫn chưa đủ sức kích hoạt dòng tiền trở lại.
Giới phân tích nhận định thị trường trong ngắn hạn không bị ảnh hưởng bởi yếu tố lợi nhuận doanh nghiệp mà bị chi phối trực tiếp bởi yếu tố vĩ mô. Trong đó, đà tăng nóng của tỷ giá là yếu tố đáng quan tâm, bởi nó phản ánh tất cả câu chuyện về lạm phát, chênh lệch lãi suất và dòng tiền trên thị trường chứng khoán.
Những tuần vừa qua, tỷ giá VND/USD đã có xu hướng tăng rõ rệt, do tác động của một số yếu tố bên ngoài và trong nước như lạm phát hay việc chào mua ngoại tệ từ Kho bạc Nhà nước.
Theo Chứng khoán KIS, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc tăng tỷ giá USD/VND trong thời gian qua. Trước hết, tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu, đặc biệt là áp lực lạm phát cao tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, đã đẩy đồng USD lên mức mạnh hơn. Việc này tạo áp lực lên các nền kinh tế mới nổi, bao gồm Việt Nam, do dòng vốn có xu hướng chuyển từ thị trường này sang các thị trường phát triển hơn. Điều đó khiến nhu cầu USD tăng lên và tạo áp lực giảm giá lên VND.
Sự chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam cũng là một yếu tố quan trọng. Tuy đã cắt giảm 0,5% lãi suất trong tháng 9 vừa qua, nhưng với chính sách thắt chặt tiền tệ trước đó của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), lãi suất thực ở Mỹ vẫn hấp dẫn hơn so với Việt Nam. Điều này làm tăng sức hút của các tài sản định giá bằng USD so với các tài sản bằng VND, tạo ra nhu cầu cao hơn đối với USD và từ đó đẩy tỷ giá USD/VND tăng lên.
Việc Kho bạc Nhà nước (KBNN) chào mua USD cũng góp phần tạo áp lực tăng tỷ giá. Theo đó, từ đầu năm 2024, KBNN đã thực hiện 5 đợt mua ngoại tệ với tổng khối lượng 500 triệu USD từ các ngân hàng thương mại. Riêng trong hai tháng 9 và 10/2024, KBNN chào mua thêm 400 triệu USD. Điều này tạo ra nhu cầu lớn đối với USD trong một thời gian ngắn và làm tăng tỷ giá.
“Dữ liệu cho thấy tỷ giá tăng thì chứng khoán xuống mạnh. Hiện, DXY ở 104 thì VN-Index đáy ở 1.240, nếu xấu nữa thì phải chuẩn bị cho kịch bản chỉ có nhịp hồi và test lại vùng đáy mạnh 1.200 điểm trong quý IV tới đây”, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, Chứng khoán VPBank (VPBanks) nhìn nhận.
Chứng khoán cuối năm khó dự báo
Nhìn lại năm 2016 khi ông Trump làm Tổng thống, đồng USD ghi nhận đà tăng mạnh. Thời gian gần đây, khi ông Trump có vẻ thắng thế trong cuộc bầu cử, USD cũng bứt phá. Chuyên gia cho rằng trong trường hợp ông Trump thắng cử, nhiều khả năng DXY (chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD) có thể chạm mốc 108.
Mặt khác, ông Nguyễn Việt Đức phân tích, mức định giá P/E của thị trường hiện nay đang neo quanh 14 lần - không phải là mức rẻ mà là mức trung bình của VN-Index trong 10 – 15 năm qua. Mức định giá chỉ được xem là rẻ khi ở vùng quanh 10 lần, nhưng rất nhiều năm P/E mới về quanh vùng này.
“Chứng khoán cuối năm khá khó dự báo, song đến năm 2025 có thể có vài kỳ vọng”, chuyên gia VPBanks nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn tích cực hơn, Chứng khoán KIS nhận xét xu hướng tăng của tỷ giá USD/VND hiện tại có thể chỉ mang tính tạm thời, và tỷ giá sẽ điều chỉnh trở lại trong các tháng cuối năm.
Công ty chứng khoán này dự đoán nhu cầu USD có xu hướng giảm vào cuối năm khi các hoạt động nhập khẩu và thanh toán lớn dần hoàn tất. Cuối năm thường là mùa lễ hội ở châu Âu và Mỹ, nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu này, các doanh nghiệp xuất khẩu thường mua nguyên liệu sản xuất từ 3-6 tháng trước đó, tạo nên nhu cầu cao về USD trong quý III. Tuy nhiên, khi các đơn hàng được xuất đi, các doanh nghiệp sẽ nhận được các khoản thanh toán (bằng USD) thường vào cuối năm, giúp nguồn cung USD dồi dào hơn và làm hạ nhiệt tỷ giá.
vào đó, dòng tiền bằng USD vào Việt Nam có xu hướng tăng trong các tháng cuối năm. Cụ thể, dòng vốn FDI vẫn đang chảy vào Việt Nam với mức tương đối ổn định trong 9 tháng đầu năm. (vốn thực hiện ước đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8.9% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký cũng tăng 11,6%, tương đương 24,7 tỷ USD). Bên cạnh đó, Tết Nguyên đán sẽ đến sớm, vào cuối tháng 1/2025, nên lượng kiều hối có thể gia tăng trước Tết khoảng 1-2 tháng, giai đoạn cuối năm 2024. Các dòng vốn này tạo ra nguồn cung USD, giúp hạ nhiệt đà tăng của tỷ giá trong các tháng cuối năm.
Cuối cùng, chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed cũng là một yếu tố quan trọng trong việc giảm sức mạnh của đồng USD. Cụ thể, Fed đã thay đổi chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng khi cắt giảm 0,5% lãi suất trong cuộc họp ngày 19/9. Việc cắt giảm này nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ, vốn gặp khó khăn khi Fed duy trì mức lãi suất cao trong thời gian dài. Trong dài hạn, chính sách này sẽ làm đồng USD giảm giá so với các đồng tiền khác, bao gồm VND, và giúp tỷ giá VND/USD duy trì ổn định trong tương lai. Ngoài ra, nhu cầu USD sẽ giảm đáng kể khi các đợt chào mua của KBNN kết thúc.
Thực tế, sau khi KBNN phát đi thông báo về nhu cầu mua ngoại tệ từ các ngân hàng theo hình thức giao ngay trong ngày 25/10 và thanh toán vào ngày 29/10, tỷ giá đã có dấu hiệu "hạ nhiệt".
Tính từ ngày 24/10 - thời điểm tỷ giá hối đoái tăng nóng, thì đến nay, tỷ giá trung tâm đã giảm từ 24.260 đồng xuống 24.252 đồng/USD. Còn giá thu mua USD tại các ngân hàng thương mại giảm 110 đồng/USD, từ 25.220 đồng xuống 25.110 đồng/USD.
“Xu hướng tăng của tỷ giá hiện tại chỉ mang tính ngắn hạn và sẽ nhanh chóng hạ nhiệt trong các tháng cuối năm”, Chứng khoán KIS nhận định.
Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc chứng khoán cuối năm có thể vẫn còn bị ảnh hưởng bởi tỷ giá, và kỳ vọng sẽ đến từ năm 2025 sau giai đoạn tỷ giá “hạ nhiệt”.
Nguồn: Vnbusiness