Theo tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam – Vietravel (mã: VTR) đã công bố chiến lược kinh doanh cho năm nay với tham vọng thiết lập mức doanh thu thuần cao nhất từ trước tới nay, vượt mốc 9.500 tỷ đồng. Dù vậy, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế được xây dựng với mức độ thận trọng, dự kiến khoảng 50 tỷ đồng.
Đại hội đồng cổ đông thường niên của Vietravel sẽ được tổ chức vào sáng ngày 17/5 tới, tại khách sạn Fleur de Lys Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Vietravel đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục trong năm 2025, đẩy mạnh tái cấu trúc và mở rộng quốc tế
Mục tiêu tăng trưởng vượt trội về khách hàng và doanh thu
Trong năm nay, Vietravel kỳ vọng phục vụ hơn 1,18 triệu lượt khách, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phân khúc khách nội địa và outbound (du khách Việt Nam ra nước ngoài) ước đạt 950.000 lượt, còn lại là khoảng 233.000 lượt khách quốc tế (inbound) đến Việt Nam. Cơ cấu này phản ánh rõ rệt định hướng mở rộng quy mô hoạt động ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Về mặt tài chính, doanh thu thuần năm 2025 dự kiến tăng 42% so với năm 2024. Kết quả này đến từ việc công ty phục hồi toàn bộ năng lực vận hành lữ hành, đồng thời mở rộng hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ – đặc biệt là trong mảng vé máy bay và các loại hình dịch vụ mới nhằm bắt kịp xu thế thị trường.
Một trong những điểm đáng chú ý là Vietravel đang tập trung phát triển các kênh kinh doanh trực tuyến. Công ty đặt mục tiêu doanh thu từ nền tảng online chiếm từ 12–15% tổng doanh thu từ khách lẻ (FIT) và khách quốc tế. Đồng thời, tỷ trọng doanh thu từ thị trường quốc tế được kỳ vọng sẽ đạt tối thiểu 10%, tức gấp đôi so với hiện tại.
Dù chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế được đặt ở mức 50 tỷ đồng – thấp hơn 11% so với thực hiện năm 2024 – Vietravel vẫn kỳ vọng đạt lợi nhuận gộp khoảng 813 tỷ đồng nhờ tập trung vào các sản phẩm có hiệu suất cao hơn và tối ưu hóa chi phí đầu vào. Việc giảm chỉ tiêu lợi nhuận phản ánh quan điểm ưu tiên tăng trưởng dài hạn, mở rộng quy mô và đầu tư nền tảng, hơn là theo đuổi lợi nhuận ngắn hạn.
Tăng vốn điều lệ qua ba đợt phát hành cổ phiếu
Một trong những nội dung trọng điểm khác được đề cập tại Đại hội cổ đông là kế hoạch phát hành hơn 40 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Dù đã được thông qua từ năm 2024, kế hoạch này đến nay vẫn chưa thể triển khai do vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Theo kế hoạch mới nhất, Hội đồng Quản trị Vietravel sẽ chia thành ba đợt phát hành gồm: gần 28,7 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu; khoảng 8,6 triệu cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu; và gần 2,9 triệu cổ phiếu phát hành theo chương trình ESOP dành cho cán bộ nhân viên.
Mục tiêu của đợt huy động vốn này là nâng vốn điều lệ của công ty lên hơn 693,6 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn thu được sẽ được sử dụng để bổ sung vốn lưu động và chi trả nợ vay, qua đó củng cố sức mạnh tài chính cho chiến lược tăng trưởng trung và dài hạn.
Sau khi nhận được yêu cầu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc cập nhật báo cáo tài chính quý I/2025, Vietravel đã hoàn tất các thủ tục bổ sung và dự kiến sẽ thực hiện đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7/2025. Các đợt còn lại sẽ triển khai tiếp trong quý III, sau khi đợt đầu tiên được hoàn tất.
Về chính sách cổ tức, Hội đồng Quản trị công ty đề xuất trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% (tương đương 1.000 đồng/cổ phiếu), thời gian thực hiện trong quý II hoặc III/2025. Đối với năm tài chính 2025, tỷ lệ chi trả dự kiến giảm xuống còn 5%, nhằm phù hợp với định hướng ưu tiên tái đầu tư và mở rộng.
Một nội dung đáng chú ý khác trong chương trình Đại hội cổ đông lần này là việc đề xuất thay đổi tên doanh nghiệp. Cụ thể, công ty dự kiến rút gọn tên gọi từ “CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam – Vietravel” thành “CTCP Du lịch Vietravel”. Việc đổi tên này nhằm đơn giản hóa trong nhận diện thương hiệu, giúp thương hiệu Vietravel dễ ghi nhớ hơn, đồng thời phù hợp với chiến lược mở rộng phạm vi hoạt động cả trong và ngoài nước.
Nguồn: Thị trường tài chính