Điều hành lạm phát cần bám sát diễn biến từ đầu năm

Năm 2025, việc giữ tốc độ tăng CPI khoảng 4,5% để hỗ trợ tăng trưởng 8% - 10% một cách thực chất là vấn đề không đơn giản, đòi hỏi bộ, ngành quản lý phải chắc tay điều hành ngay từ đầu năm

Nhìn lại chặng đường 10 năm thành công kiểm soát lạm phát ở mức thấp, chia sẻ gần đây, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), cho biết trong giai đoạn 2015-2024, tính trung bình lạm phát chỉ ở mức 2,8%/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 10,2%/năm của 10 năm trước đó (giai đoạn 2005-2014).


BA NHÂN TỐ CỐT LÕI

Giai đoạn 2015-2024, lạm phát dao động quanh ngưỡng 3%, ngoại trừ hai năm 2015 và 2021 thấp hơn đáng kể. Trong đó, năm 2015, lạm phát ở mức thấp kỷ lục chỉ 0,6%, thấp xa mục tiêu điều hành 5%, chủ yếu do giá dầu giảm sâu; năm 2021 chỉ 1,8% do ảnh hưởng từ đại dịch. 


Chỉ rõ nguyên nhân chính giúp kiềm chế lạm phát thấp trong 10 năm qua, TS. Nguyễn Đức Độ phân tích thứ nhất, tốc độ tăng cung tiền trong giai đoạn 2014-2023 (độ trễ 1 năm) chỉ ở mức 13,8%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 27,1% giai đoạn 2004-2013.


Thứ hai, lãi suất giai đoạn 2014-2024 luôn được duy trì thực dương, trung bình ở mức 3,7%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Trong khi đó, mức lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2004-2014 là 0%/năm.


Thứ ba, tỷ giá USD/VND trong giai đoạn 2014-2024 cũng được duy trì ổn định hơn so với giai đoạn 2004-2014. Nếu tốc độ giảm giá của VND so với USD trong giai đoạn 2004-2014 ở mức trung bình 2,9%/năm thì trong giai đoạn 2014-2024 đã giảm xuống còn 1,6%/năm.


Trên thực tế, lạm phát trong giai đoạn 2015-2024, về cơ bản, đi ngang, xoay quanh mức trung bình là 2,8%/năm hay 0,23%/tháng, được neo nhờ chính sách tiền tệ và tỷ giá ổn định. Các biến động về lạm phát, cao hơn hoặc thấp hơn mức trung bình, chủ yếu do các biến động về giá dầu, giá nguyên vật liệu cũng như giá các dịch vụ y tế và giáo dục do Nhà nước kiểm soát.


BIẾN SỐ GÂY SỨC ÉP NĂM 2025

Cũng theo TS. Nguyễn Đức Độ, trong năm 2024, cung tiền được kiểm soát ở mức 9,42%, thấp hơn nhiều mức trung bình của giai đoạn 2014-2023, đây sẽ là yếu tố giúp kiểm soát lạm phát trong năm 2025.


Tỷ giá năm 2025 vẫn là ẩn số khó lường, bởi năm 2022, chỉ số DXY (chỉ số đo lường sức mạnh của đồng Đô la Mỹ tương quan với 6 loại tiền tệ khác) đạt đỉnh 113 điểm, hiện DXY thấp hơn nhiều nhưng tỷ giá USD/VND đã vượt đỉnh cũ, mức độ biến động tỷ giá cao dẫn đến tâm lý kỳ vọng lạm phát gia tăng và ảnh hưởng đến công tác điều hành. Tỷ giá và lãi suất sẽ là các yếu tố còn nhiều bất định và tác động đến giá cả ở Việt Nam.


Bên cạnh các yếu tố về tiền tệ, tỷ giá nêu trên, theo ông Độ, lạm phát trong năm 2025 còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như tăng trưởng kinh tế thế giới và giá dầu, giá nguyên vật liệu đầu vào. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới trong năm 2025 vẫn tăng trưởng ổn định với mức 3,2%, tương đương năm 2024, còn giá dầu và giá các hàng hóa cơ bản đầu vào, tính trung bình, có xu hướng giảm nhẹ.


Ngoài ra, theo một số chuyên gia, những năm gần đây, thay vì neo mức 4% như trước, mục tiêu kiểm soát lạm phát theo tốc độ tăng CPI bình quân lại điều chỉnh theo hướng kiểm soát trong một khoảng dao động từ 4-4,5%, điều này hàm ý Việt Nam chấp nhận lạm phát cao hơn để tăng trưởng cao hơn.


Tuy nhiên, mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng không quá chặt chẽ, lý thuyết đường cong Phillips khá yếu, có thể xảy ra tình huống lạm phát tăng nhưng tốc độ tăng trưởng GDP không tăng.


NHÂN TỐ HỖ TRỢ "GHÌM" SỨC ÉP LẠM PHÁT

Bên cạnh các yếu tố gây sức ép lên việc kiểm soát lạm phát, năm 2025 cũng có nhiều nhân tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá. Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng lạm phát toàn cầu hạ nhiệt giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát.


Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, năm nay, các yếu tố như biến động giá năng lượng toàn cầu, tình hình kinh tế thế giới và các chính sách thương mại có thể ảnh hưởng đến lạm phát thực tế. Việc theo dõi sát sao và điều chỉnh chính sách kịp thời là cần thiết để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2025. Để đối phó với những thách thức này, ông Long cho rằng Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, tăng cường dự trữ ngoại hối, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nâng cao năng lực sản xuất trong nước nhằm giảm thiểu tác động từ các biến động bên ngoài.



Nguồn: VnEconomy