Hợp tác đưa nông sản xanh vào kênh bán lẻ hiện đại

Với mong muốn có thêm thị phần tại thị trường trong nước, sau 5 năm đưa chuối xuất ngoại, Bầu Đức quyết định đưa sản phẩm vào chuỗi siêu thị Việt thông qua việc hợp tác chiến lược với Kingfoodmart...

Chia sẻ trong lễ ký kết hợp tác chiến lược với Kingfoodmart ngày 02/11 tại TP.HCM, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), cho biết trong 5 năm qua, sản phẩm chuối mang thương hiệu “Pleiku Sweet” của Hoàng Anh Gia Lai đã được đón nhận tại nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Trong đó, thị trường Nhật Bản đã nâng số lượng đơn hàng từ 2 container mỗi tháng lên 70 container mỗi tuần và mua với mức giá ổn định. Tương tự, số lượng xuất sang Hàn Quốc và Trung Quốc cũng tăng mạnh vài chục lần so với thời gian đầu.


Bắt đầu làm nông nghiệp từ năm 2007, đến nay đã 17 năm, HAGL trải qua một hành trình dài với nhiều nỗ lực để làm nông nghiệp có trách nhiệm. Trong quá trình 17 năm này, HAGL đã trải qua muôn vàn khó khăn, đã đầu tư cả tỷ USD vào nông nghiệp và phải tuyên bố mất thanh khoản vào năm 2016.

“HAGL là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam dám tuyên bố mất thanh khoản. Lúc bấy giờ, tập đoàn nợ tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhiều người nói ông Đức không biết quản trị, không biết quản lý. Mình là kẻ thua, chỉ biết gục đầu xuống, lặn sâu không nói gì. Trên thương trường, còn kinh doanh là sẽ còn thắng - thua, rủi ro luôn hiện hữu”, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cho biết.

Từ năm 2016, HAGL quyết định chuyển sang trồng cây ngắn ngày lấy tiền như ớt, chuối, chanh dây. Trong đó, cây chuối đã giúp công ty vượt qua khó khăn. Tính đến thời điểm này, diện tích trồng chuối của HAGL đã đạt 7.000ha, dẫn đầu không chỉ thị trường Việt Nam mà còn cả khu vực Đông Nam Á về diện tích.

Chuối của HAGL là sản phẩm an toàn, chất lượng cao, được áp dụng tuần hoàn gần như triệt để, đạt chuẩn Global GAP, Việt GAP và tuân thủ các quy định của mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Đức vẫn luôn trăn trở chuối của HAGL hiện đã vào được những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc nhưng lại chưa phổ biến tại chính “sân nhà”. Với mong muốn có thêm thị phần nội địa, HAGL quyết định mang chuối về phục vụ thị trường trong nước thông qua việc hợp tác với chuỗi hệ thống 81 siêu thị Kingfoodmart tại TP.HCM và Bình Dương.

Ông Đinh Anh Huân, nhà sáng lập Kingfoodmart, cho biết đã trực tiếp khảo sát quy trình sản xuất chuối, nuôi heo, và trồng sầu riêng của HAGL và đã bị thuyết phục bởi chất lượng và hương vị sản phẩm; ấn tượng với quy chuẩn sản xuất chuyên nghiệp quy mô lớn, đảm bảo lượng hàng cung ứng liên tục. "Kế hoạch của Kingfoodmart từ nay đến cuối năm 2024 sẽ mở mới thêm 20 siêu thị nữa và dự kiến nâng chuỗi bán lẻ này lên 150 -200 siêu thị trong năm 2025. Chúng tôi kỳ vọng phục vụ 10 triệu khách hàng tại TP.HCM và hàng chục triệu khách hàng khác trên cả nước", ông Huân cho biết.

Ngoài chuối, HAGL còn trồng bưởi, sầu riêng, nuôi heo, gà. Các sản phẩm của HAGL được truy xuất nguồn gốc xuất xứ một cách rõ ràng và minh bạch. Hiện, doanh nghiệp này còn đang nuôi cá tầm, song chưa thu hoạch tạo dòng tiền, dự báo có thể có kết quả vài tháng nữa. “Một mục tiêu của HAGL là đưa tất cả sản phẩm lên bàn ăn của người Việt”, ông Đức chia sẻ thêm.

Kế hoạch sắp tới của Hoàng Anh Gia Lai là sẽ đưa thêm 20 sản phẩm nữa vào chuỗi siêu thị Kingfoodmart, gồm thịt heo, gà và cá.

Nói về chất lượng sản phẩm, Bầu Đức tự tin chuối của HAGL ngon hàng đầu Việt Nam sản xuất ngon nhất Việt Nam do được trồng ở Gia Lai, ở độ cao hơn 900 mét so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ và thời gian canh tác 12 tháng mới thu hoạch nên tích lũy nhiều dưỡng chất, trong khi các vùng khác chỉ 9 tháng.

Chủ tịch HAGL khẳng định đây là sản phẩm chính thức đầu tiên của HAGL được phân phối tại thị trường Việt Nam, không phải là qua các đơn vị trung gian “mua đứt bán đoạn” như trước đó. Tập đoàn này cũng quyết định tặng 1 triệu quả chuối HAGL cho khách hàng dùng thử thông qua hệ thống siêu thị Kingfoodmart tại Sài Gòn và Bình Dương.

Nguồn: VnEconomy