Châu Âu lo kinh tế sụt tốc vì mâu thuẫn thương mại với Mỹ

Bức tranh thương mại xấu đi sẽ là một trở ngại lớn đối với sự phục hồi của kinh tế châu Âu...

Nền kinh tế khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) năm 2025 có thể đạt mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng gần đây, và việc giảm triển vọng này thậm chí vẫn là lạc quan nếu doanh nghiệp xuất khẩu trong khu vực phải đương đầu với thuế quan cao hơn ở thị trường Mỹ - theo dự báo mới được Liên minh châu Âu (EU) đưa ra.

Dự báo trên cho rằng nền kinh tế của 20 quốc gia sử dụng chung đồng eurzo chỉ đạt mức tăng 1,3% trong năm tới, thấp hơn mức dự báo tăng 1,4% đưa ra trước đó. Báo cáo kinh tế mùa thu của Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, cũng nhận định eurozone đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 0,8% trong năm nay, không thay đổi so với lần dự báo trước.

Tất cả các nền kinh tế lớn của eurozone đều được dự báo sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định trong năm 2025, cho dù Pháp đang đương đầu với nhiều thách thức về chính trị và tài khóa, trong khi kinh tế Đức có thể suy thoái trong năm nay. Tây Ban Nha được dự báo sẽ tăng trưởng vượt trội, với mức tăng có thể đạt 3% trong năm nay và 2,3% trong năm 2025.

Tuy nhiên, bức tranh thương mại xấu đi sẽ là một trở ngại lớn đối với sự phục hồi của kinh tế châu Âu - theo EC. Xu hướng bảo hộ của Mỹ thời chính quyền Tổng thống Donald Trump nhiệm kỳ thứ hai sẽ “cực kỳ có hại” cho các nền kinh tế hai bên bờ Đại Tây Dương, cao ủy EU về kinh tế Paolo Gentiloni nhận định hôm thứ Sáu. Ông nói Brussels sẽ bắt tay với chính phủ mới ở Washington, nhưng cũng đồng thời sẵn sàng tự vệ trong bất kỳ cuộc chiến thương mại nào.

Thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu cũng đang là một mối đe dọa đối với kinh tế châu Âu - theo EC. Cơ quan này đề cập đến đợt lũ lụt nghiêm trọng khiến hàng trăm người thiệt mạng ở các vùng ven biển Tây Ban Nha gần đây. “Thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng ở các vùng bị ảnh hưởng cũng dẫn tới tác động rộng hơn đối với mạng lưới sản xuất bên ngoài biên giới. Ngoài ra, gián đoạn các hoạt động kinh tế cũng có thể làm gia tăng áp lực lạm phát, nhất là giá thực phẩm”, báo cáo nhận định.

Trong mấy năm qua, lạm phát là một mối lo lớn đối với các nhà hoạch định chính sách châu Âu. EC dự báo mức lạm phát bình quân của eurozone sẽ là 2,4% trong năm 2024 và 2,1% trong năm 2025, so với các mức dự báo trước tương ứng là 2,5% và 2,1%. Những con số dự báo này đã gần sát với mục tiêu lạm phát 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra, nhưng chưa thực sự đạt được mục tiêu đó.

Tăng trưởng kinh tế thấp hơn đồng nghĩa thu ngân sách ít hơn, gây thêm căng thẳng cho ngân sách của chính phủ các nước thành viên EU. EC cho biết thâm hụt ngân sách còn cao và tiền lãi nợ công nhiều hơn sẽ khiến tỷ lệ nợ công so với GDP tiếp tục tăng lên.

EC cảnh báo rằng chính phủ mới của Pháp phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn để giảm thâm hụt ngân sách hiện đang ở mức cao hơn nhiều so với giới hạn mà EU đặt ra. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách của Pháp được EC dự báo sẽ giảm xuống 5,3% GDP trong năm tới từ mức 6,4% trong năm nay, nhưng có thể tăng nhẹ trở lại vào năm 2026 khi một số biện pháp thuế tạm thời hết hiệu lực. EC cũng dự báo nợ chính phủ Pháp sẽ tăng mạnh trong những năm tới.

Triển vọng ảm đạm về tăng trưởng và lạm phát có thể mở đường để ECB tiếp tục hạ lãi suất, mặc dù với tốc độ dần dần. Đây là dự báo kinh tế đầu tiên của EC kể từ tháng 5 và hiện tại, ECB đã bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất, đưa lãi suất tiền gửi về 3,25% từ 4% - mức lãi suất đã duy trì kể từ tháng 9 năm ngoái cho tới đợt giảm đầu tiên vào tháng 7 năm nay. ECB đã phát tín hiệu sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất nhằm giảm bớt một số gánh nặng đối với đầu tư và các hoạt động kinh tế khác.

Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất của eurozone đang phải chật vật phục hồi sau cú sốc năng lượng do chiến tranh Nga-Ukraine gây ra. Số liệu công bố trong tuần vừa rồi cho thấy sản xuất của các nhà máy trong khu vực trong quý 3 năm nay giảm so với quý trước. So với tháng 1/2022, ngay trước khi chiến tranh nổ ra, sản lượng công nghiệp của khu vực đồng euro đã giảm mạnh 6%.

Giới chức châu Âu đưa ra dự báo kinh tế trên cơ sở là chính sách hiện tại, nhưng một cuộc chiến thương mại đang có nguy cơ xảy ra có thể khiến lĩnh vực công nghiệp đang lao đao của khu vực càng thêm phần khó khăn và nền kinh tế sụt tốc sâu hơn. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đe dọa áp thuế quan 10% đối với hàng hóa châu Âu nhập khẩu vào Mỹ, nói rằng đây biện pháp để bảo vệ các nhà sản xuất và công việc trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) Joachim Nagel tuần vừa rồi cảnh báo rằng nếu được thực thi, kế hoạch thuế quan của ông Trump có thể khiến Đức thiệt hại khoảng 1% GDP. Tác động của việc áp thuế quan đó có thể sẽ được cảm nhận rõ rệt trong toàn bộ lĩnh vực công nghiệp khu vực đồng euro, với thiệt hại nhiều nhất sẽ rơi các nhà cung cấp nhỏ hơn.

Theo dự đoán từ công ty bảo hiểm Allianz, lượng hàng xuất khẩu trị giá gần 25 tỷ euro của Đức sẽ gặp rủi ro trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện giữa Mỹ với châu Âu vào năm tới. Ngoài ra, xuất khẩu của Pháp và Italy cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế vẫn chưa thống nhất được về tác động tiềm ẩn của kế hoạch thuế quan mà ông Trump đưa ra. Môt số người thậm chí cho rằng đồng USD mạnh hơn có thể lấn át tác động tiêu cực của thuế quan, và qua đó thúc đẩy nhu cầu của Mỹ đối với hàng hóa châu Âu.

Nguồn: Bình Minh - Vneconomy