Đã đến lúc người Việt cần quan tâm đến kế hoạch hưu trí của mình

Tại Việt Nam, khái niệm “kế hoạch hưu trí” thường không phải là ưu tiên hàng đầu của nhiều người lao động, đặc biệt là khi tuổi nghỉ hưu vẫn còn xa.

Dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng

Việt Nam hiện đang trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” – khi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động vẫn còn cao – nhưng giai đoạn này sẽ không kéo dài. Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc và Tổng cục Thống kê Việt Nam, tuổi trung vị của dân số Việt Nam đã tăng từ 29.2 tuổi vào năm 2013 lên khoảng 32.8 tuổi vào năm 2023. Điều này có nghĩa là cứ mỗi ba năm, tuổi trung vị lại tăng thêm một tuổi, cho thấy sự già hóa dân số diễn ra nhanh chóng. Nếu không có các biện pháp điều chỉnh như tăng tỷ lệ sinh, Việt Nam có thể phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số tương tự Nhật Bản – nơi hơn 28% dân số đã trên 65 tuổi.

Dự kiến đến năm 2050, khoảng 25% dân số Việt Nam sẽ trên 60 tuổi. Điều này đặt ra một thách thức lớn đối với hệ thống an sinh xã hội và yêu cầu mỗi cá nhân phải có kế hoạch tài chính rõ ràng cho thời kỳ nghỉ hưu.

Bảo hiểm xã hội, tiết kiệm ngân hàng liệu có đủ cho kế hoạch hưu trí?

Hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) tại Việt Nam chỉ bao phủ khoảng 17.5 triệu người, tương đương hơn 30% lực lượng lao động. Mức lương hưu trung bình hiện nay chỉ khoảng 5.4 triệu đồng mỗi tháng – đủ để đáp ứng các nhu cầu cơ bản, nhưng không đủ để đảm bảo một cuộc sống thoải mái, đặc biệt khi chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn đang tăng nhanh.

Mặt khác, phần lớn lao động ngoài khu vực nhà nước vẫn phụ thuộc vào tiết kiệm ngân hàng để chuẩn bị cho hưu trí. Tuy nhiên, với lãi suất thực tế sau khi trừ lạm phát chỉ ở mức 2-3%/năm, khoản tiết kiệm này khó có thể đảm bảo được mức sống ổn định trong dài hạn. Các loại tài sản khác như bất động sản và vàng tuy có tiềm năng sinh lời nhưng lại có tính thanh khoản kém và không dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt khi cần thiết.

Quỹ hưu trí tự nguyện còn nhiều trắc trở

Quỹ hưu trí tự nguyện được xem là một giải pháp khả thi để bù đắp thiếu hụt từ hệ thống BHXH. Nghị định 88/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã đưa ra các quy định cụ thể về quỹ hưu trí tự nguyện, cho phép các doanh nghiệp và tổ chức tài chính triển khai sản phẩm này. Tính đến nay, có 4 đơn vị đã được cấp phép kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện bao gồm: Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam (DCVFM), Công ty Quản lý quỹ đầu tư MB (MBVF), Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM), và Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), với tổng cộng 10 quỹ đang hoạt động. Tuy nhiên, việc phát triển quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn:

Thứ nhất, quy định đầu tư của quỹ còn nhiều hạn chế. Theo các quy định, hướng dẫn liên quan (Nghị định 88/2016/NĐ-CP, Nghị định 46/2023/NĐ-CP,…), quỹ hưu trí tự nguyện phải tuân thủ một số hạn mức đầu tư nhất định nhằm đảm bảo an toàn và bảo toàn vốn, cụ thể: (i) Quỹ phải đầu tư tối thiểu 50% tổng giá trị tài sản vào trái phiếu Chính phủ. Điều này làm hạn chế khả năng sinh lời của quỹ, đặc biệt khi lợi suất trái phiếu Chính phủ hiện chỉ dao động từ 2-3%/năm. Mức sinh lời thấp này không đủ hấp dẫn đối với người lao động, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát gia tăng; (ii) Quỹ được phép gửi tiền vào các tổ chức tín dụng, nhưng không được đầu tư quá 20% tổng giá trị tài sản đầu tư của quỹ vào một tổ chức tín dụng cụ thể, giới hạn khả năng đa dạng hóa danh mục đầu tư và tận dụng các cơ hội lãi suất cao hơn từ các tổ chức tín dụng khác nhau.

Thứ hai, mức ưu đãi thuế hiện nay còn thấp. Theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC và Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, người lao động tham gia quỹ hưu trí tự nguyện được trừ tối đa 1 triệu đồng/tháng vào thu nhập chịu thuế cá nhân, và doanh nghiệp được khấu trừ tối đa 3 triệu đồng/tháng/người vào chi phí khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức ưu đãi này không đủ tạo động lực mạnh mẽ để người lao động và doanh nghiệp tham gia tích cực.

Thứ ba, chất lượng sản phẩm tài chính trên thị trường chứng khoán chưa đủ đa dạng và hấp dẫn. Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu vắng các doanh nghiệp lớn, ổn định và có khả năng sinh lời lâu dài. Sự biến động cao của thị trường làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư, bao gồm cả các quỹ hưu trí, trong việc đầu tư dài hạn – yếu tố then chốt để tạo lợi nhuận bền vững cho người tham gia.

Thứ tư, mức độ hiểu biết về tài chính của người dân còn hạn chế.

- Theo khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2015, chỉ khoảng 24% người trưởng thành tại Việt Nam có đủ kiến thức cơ bản về tài chính, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu là 33%;

- Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về tài chính toàn diện (2021) tỷ lệ người dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng chỉ đạt 69% vào năm 2021, thấp hơn so với các quốc gia phát triển (80-100%);

- Theo số liệu từ UBCKNN năm 2024, số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt gần 8 triệu tài khoản, chỉ chiếm 8% quy mô dân số; số lượng tài khoản chứng chỉ quỹ mở có hoạt động chỉ đạt gần 300,000 tài khoản, chỉ chiếm 0.3% quy mô dân số.

Sự thiếu hiểu biết về tài chính cá nhân dẫn đến sự thiếu quan tâm và đánh giá thấp về tầm quan trọng của kế hoạch hưu trí. Hầu hết người dân vẫn chưa coi việc lập kế hoạch tài chính cá nhân là một nhu cầu cần thiết, trong đó có kế hoạch hưu trí.

Giải pháp để thúc đẩy phát triển quỹ hưu trí tự nguyện

Trước những thách thức lớn đang đặt ra cho hệ thống hưu trí của Việt Nam, cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt từ cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Trước hết, các cơ quan chức năng cần điều chỉnh các quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của quỹ hưu trí tự nguyện. Tăng cường mức ưu đãi thuế là một bước đi quan trọng, như đã được đề xuất trong dự thảo luật thuế thu nhập cá nhân mới cho năm 2025, nhằm nâng mức khấu trừ cho cá nhân từ 1 triệu lên 3 triệu đồng/tháng, mặc dù mức này vẫn còn khá thấp so với mức chi tiêu tối thiểu của người dân. Điều này sẽ khuyến khích nhiều người lao động tham gia hơn, đồng thời cần nới lỏng quy định về đầu tư, giảm yêu cầu bắt buộc đầu tư vào trái phiếu chính phủ từ 50% xuống mức thấp hơn, cho phép các quỹ có thể đầu tư vào các tài sản sinh lợi cao hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

Đối với doanh nghiệp, việc cung cấp các chương trình hưu trí tự nguyện không chỉ giúp thu hút và giữ chân nhân tài mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội. Các doanh nghiệp nên xem việc này như một phần của chế độ phúc lợi, tạo dựng môi trường làm việc ổn định và bền vững hơn.

Về phía người lao động, cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về tài chính. Các chương trình giáo dục tài chính cần được triển khai rộng rãi hơn, giúp người lao động hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc lập kế hoạch hưu trí từ sớm, đảm bảo cho một cuộc sống ổn định và thoải mái khi về già.

Dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng và hệ thống an sinh xã hội hiện tại có thể không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân trong tương lai. Vì vậy, đã đến lúc mỗi người lao động cần chủ động lập kế hoạch hưu trí cho riêng mình. Việc tham gia vào các quỹ hưu trí tự nguyện, kết hợp với những cải cách từ phía cơ quan quản lý, sẽ giúp tạo ra một nền tảng tài chính bền vững, đảm bảo cuộc sống ổn định khi về hưu.

Nguồn: FILI