Câu trả lời chính là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Được thành lập sau Thế chiến II, IMF đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sự ổn định kinh tế toàn cầu và hỗ trợ các quốc gia vượt qua những thách thức kinh tế.
Tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Quỹ tiền tệ quốc tế – IMF trong bài viết lần này.
IMF là gì?
IMF (International Monetary Fund ) là tên gọi tắt của Quỹ tiền tệ Quốc tế. Đây là một tổ chức quốc tế thực hiện giám sát hệ thống tài chính của toàn cầu bằng cách theo dõi tỷ giá hối đoái cùng cán cân thanh toán, cũng như hỗ trợ kỹ thuật, giúp đỡ tài chính khi có yêu cầu.
Trụ sở chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đặt ở Washington, D.C., thủ đô Hoa Kỳ.
IMF được Thành lập năm 1945 với mang sứ mệnh:
- Thúc đẩy hợp tác tiền tệ quốc tế
- Giữ gìn an ninh hệ thống tiền tệ toàn cầu
- Hỗ trợ các quốc gia phát triển kinh tế bền vững, xóa đói giảm nghèo
Mục tiêu hoạt động của IMF
Được mô tả giống như “Một tổ chức của 189 quốc gia”, nhằm thiết lập nền tài chính an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho vấn đề thương mại quốc tế, tăng trưởng kinh tế đẩy mạnh việc làm và giảm bớt đói nghèo.
Cụ thể hơn, các mục tiêu hoạt động chính sau này bao gồm:
- Thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế thông qua các hoạt động tư vấn và cộng tác
- Tạo điều kiện mở rộng và đẩy mạnh các hoạt động mậu dịch quốc tế. Từ đó tăng tỷ lệ việc làm và thu nhập thực tế của các nước thành viên.
- Ổn định ngoại hối nhằm đảm bảo trật tự giao dịch ngoại hối giữa các thành viên. Tránh việc phá giá tiền tệ để cạnh tranh
- Hỗ trợ việc thành lập một hệ thống thanh toán giữa các nước thành viên. Ngoài ra, dỡ bỏ các rào cản về ngoại hối để đẩy mạnh các hoạt động mậu dịch
- Cung cấp nguồn lực dự trữ của quỹ để đảm bảo an toàn và tạo cơ hội cho các nước thành viên giải quyết vấn đề mất cân bằng trong cán cân thanh toán
Lịch sử hình thành của IMF
Được thành lập từ Hội nghị Bretton Woods năm 1944 ở Mỹ với sự tham dự của các đại biểu từ 44 quốc gia trong Thế chiến thứ hai, bao gồm Vương quốc Anh, Mỹ và Liên Xô khi đó.
Họ thảo luận về các thỏa thuận tài chính sau chiến tranh, bao gồm cách thiết lập một hệ thống tỷ giá hối đoái ổn định và cách chi trả cho việc xây dựng lại nền kinh tế châu Âu bị thiệt hại.
Hai tổ chức sau đó được thành lập để đáp ứng những mục tiêu này: IMF và Ngân hàng Thế giới.
Các thành viên của IMF mới thành lập đã đồng ý về một hệ thống tỷ giá hối đoái cố định, hệ thống này sẽ được duy trì cho đến đầu những năm 1970.
Cơ cấu tổ chức của IMF
Quỹ tiền tệ quốc tế gồm những bộ phận như sau:
- Hội đồng thống đốc: Đây chính là cơ quan quyết định tối cao, gồm một thống đốc và một thống đốc để thay thế đến từ những quốc gia thành viên. Thống đốc được sự chỉ định bởi quốc gia thành viên và thông thường đó là bộ trưởng tài chính hoặc là thống đốc ngân hàng trung ương.
- Các ủy ban Bộ trưởng: Hội đồng thống đốc sẽ được tham vấn bởi hai Ủy ban Bộ trưởng đó là: Ủy ban Tiền tệ và Tài chính quốc tế (viết tắt là IMFC- International Monetary and Financial Committee) và Ủy ban Phát triển (viết tắt là DC – Development Committee).
- Ban Giám đốc điều hành: gồm có 24 thành viên chịu trách nhiệm quản lý những công việc hàng ngày của quỹ IMF. 24 thành viên thuộc Ban Giám đốc Điều hành sẽ thay mặt cho 189 quốc gia thành viên. Và ban Giám đốc Điều hành sẽ bàn luận và giải quyết tất cả những vấn đề như xem xét tình trạng của nền kinh tế của các nước thành viên, các vấn đề chính sách kinh tế liên quan đến nền kinh tế toàn cầu.
Vai trò của IMF
Thường được mô tả là “người cho vay cuối cùng” của một quốc gia.
Trong thời kỳ khủng hoảng, các quốc gia tìm đến IMF để được hỗ trợ tài chính cũng như các các biện pháp cải thiện tình hình tài chính
Nhà kinh tế học Benjamin Friedman của Đại học Harvard lập luận rằng rất khó để đo lường hiệu quả của nó vì không thể biết liệu những biện pháp can thiệp của nó có khiến mọi việc trở nên tốt hơn hay “tệ hơn bất kỳ giải pháp thay thế nào” hay không.
Tuy nhiên, một số người ca ngợi vai trò của Quỹ trong việc hỗ trợ Mexico sau khi nước này tuyên bố sẽ không thể trả được nợ vào đầu những năm 1980.
Năm 2002, Brazil nhận được các khoản vay từ IMF để tránh vỡ nợ. Chính phủ sau đó đã có thể vực dậy nền kinh tế tương đối nhanh chóng và trả hết toàn bộ nợ trước thời hạn hai năm.
Những lời chỉ trích về IMF?
Các điều kiện mà IMF áp đặt đối với các quốc gia mà họ cho vay tiền đôi khi bị chỉ trích là quá khắc nghiệt.
Những biện pháp này bao gồm việc buộc các nước phải giảm vay nợ của chính phủ, cắt giảm thuế doanh nghiệp và mở cửa nền kinh tế cho đầu tư nước ngoài.
Hy Lạp là nơi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính khu vực đồng euro vào năm 2009 và là nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Sau khi nhận được khoản vay cứu trợ, Hy Lạp đã phải thực hiện những thay đổi đáng kể đối với nền kinh tế.
Những người chỉ trích cho rằng chính sách thắt lưng buộc bụng mà IMF yêu cầu Hy Lạp phải tuân theo – nhằm giảm bớt khoản vay của chính phủ – là quá mức và gây thiệt hại cho nền kinh tế cũng như xã hội của nước này.
Các hoạt động chính của IMF
Thực hiện bốn việc chính để giám sát và hỗ trợ nền kinh tế:
#1: Giám sát
IMF thu thập dữ liệu kinh tế từ các quốc gia thành viên, phân tích dữ liệu và đưa ra đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô của các quốc gia. IMF cũng công bố báo cáo và khuyến nghị chính sách.
Ví dụ: Công bố báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam, dự báo tăng trưởng GDP 6,7% và đưa ra khuyến nghị về chính sách tiền tệ, tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát.
#2: Hỗ trợ tài chính
IMF cho vay cho các quốc gia thành viên gặp khó khăn về cán cân thanh toán. Các khoản vay thường đi kèm với các điều kiện, chẳng hạn như thực hiện các cải cách kinh tế.
IMF cũng cung cấp hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi thiên tai hoặc các thảm họa khác.
Năm 2013 sau khi siêu bão Haiyan đổ bộ và tàn phá nặng nề, IMF đã cung cấp khoản vay 483 triệu USD cho Philippines để hỗ trợ nước này ứng phó với hậu quả của bão và tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng.
#3: Hỗ trợ kỹ thuật
Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia thành viên để giúp họ cải thiện năng lực quản lý kinh tế vĩ mô. Hỗ trợ kỹ thuật bao gồm đào tạo, tư vấn và hỗ trợ xây dựng năng lực.
Ví dụ: Năm 2022, IMF tổ chức khóa đào tạo về quản lý ngân sách nhà nước cho cán bộ của Bộ Tài chính Việt Nam.
Khóa đào tạo giúp nâng cao năng lực quản lý ngân sách nhà nước cho cán bộ Bộ Tài chính, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu tài khóa của Việt Nam.
#4: Hợp tác kinh tế quốc tế
IMF là diễn đàn cho các quốc gia thảo luận về các vấn đề kinh tế toàn cầu. IMF hợp tác với các tổ chức quốc tế khác như Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới.
Vai trò của IMF:
- Duy trì sự ổn định kinh tế toàn cầu: IMF giúp ngăn ngừa các khủng hoảng kinh tế và hỗ trợ các quốc gia vượt qua khủng hoảng.
- Thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế: IMF khuyến khích thương mại tự do và đầu tư quốc tế, đồng thời hỗ trợ các quốc gia đang phát triển.
- Giảm nghèo: IMF hỗ trợ các quốc gia thành viên thực hiện các chính sách giúp giảm nghèo.
Quan hệ Việt Nam – IMF
Trong giai đoạn 1993-2004, IMF đã cung cấp cho Việt Nam 3 khoản vay với tổng vốn 473 triệu SDR (tương đương với 653,3 triệu USD).Từ tháng 4/2004 đến nay, giữa hai bên không còn chương trình vay vốn. Tính tới thời điểm 31/12/2012, Việt Nam đã thanh toán hết các khoản nợ trước đây cho IMF.
Hiện nay, quan hệ Việt Nam – IMF tiếp tục trên nhiều lĩnh vực như giám sát kinh tế vĩ mô, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Cụ thể:
– Giám sát kinh tế vĩ mô: Hàng năm theo định kỳ, IMF thực hiện các đợt đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam
Trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, IMF không tổ chức các Đoàn công tác đánh giá định kỳ sang Việt Nam như các năm trước, thay vào đó, là tiếp xúc, thảo luận với các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học… theo hình thức trực tuyến
– Hỗ trợ kỹ thuật: Từ 1994 – 2022, IMF đã cung cấp hơn 200 đoàn hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam về các nội dung đa dạng về tài chính công, nghiệp vụ ngân hàng trung ương, thống kê, phòng chống rửa tiền…
Năm 2022, ngoài một số hỗ trợ kỹ thuật bị hoãn dưới ảnh hưởng dịch COVID, đa số các dự án hỗ trợ kỹ thuật vẫn được tiếp tục dưới hình thức trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp. Ngoài ra, IMF cũng thường xuyên tổ chức đối thoại tư vấn chính sách và thông tin cho các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.
– Đào tạo: Hàng năm, IMF cung cấp học bổng thạc sĩ, tiến sĩ và tài trợ cho cán bộ của NHNN và các Bộ, ngành liên quan tham dự các khóa đào tạo dài hạn, ngắn hạn về các chủ đề chính sách và kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân hàng, tiền tệ, thống kê… tại các Viện đào tạo khu vực của IMF tại Singapore, Mỹ; các Văn phòng khu vực của IMF
Theo: Simplize